Hotline : 0915.28.38.78  

Địa chỉ :168 Đường Số 2, Khu Dân Cư Vạn Phúc, Phường Hiệp Bình Phước, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh

Cam kết uy tín 100%

Hàng chất lượng, uy tín 100%

Miễn phí vận chuyển trong nước 

Vận chuyển miễn phí trong nước

Mai Vàng - Hơi Thở Mùa Xuân

Từ xa xưa Mai Vàng đã được xem là biểu tượng hơi thở đất trời, linh hồn của mùa xuân miền Nam. Là loài cây không thể thiếu trong mỗi dịp tết đến xuân về ở khu vực miền nam trung bộ và đồng bằng sông cửu long. Hôm nay nhà Bonsai sẽ cập nhật cho quý khách những thông tin bổ ích về nguồn gốc, đặc điểm, ý nghĩa, cách trồng và chăm sóc Mai Vàng. 

Nguồn gốc

Mai vàng được lưu dân người Việt Nam thuần hóa từ cây dại khi họ đi khai khẩn miền nam nước này. Hoa mai vàng có năm cánh và thường nở trùng với dịp Tết Nguyên Đán như hoa đào ở miền Bắc nên người ta đã đem về trang trí vào dịp Tết. Dần dà về sau, hoa mai trở thành một hình ảnh đặc trưng khi nhắc đến ngày tết của miền Nam Việt Nam. Trong tiếng anh, hoa mai là Apricot Flowers. Ngoài ra, cây mai còn có tên khác là cây hoàng mai và tên khoa học là Ochna integerrima. Cây thuộc họ Mai (Ochnaceae) và rất được yêu thích vào ngày Tết Nguyên Đán Việt Nam, đặc biệt nhất ở miền Nam.

Tại Việt Nam, loài này phân bố tự nhiên nhiều nhất tại những khu rừng thuộc dãy Trường Sơn và các tỉnh từ Quảng Nam, Đà Nẵng cho tới Khánh Hòa. Loài hoa này cũng có nhiều tại các vùng núi ở đồng bằng sông Cửu Long, và tại cao nguyên cũng có, song số lượng ít hơn. Mai vàng Yên Tử tại Quảng Ninh đã được xác định là cùng loài với mai vàng miền Nam.

Đặc điểm

Mai vàng là cây lâu năm, có thể sống trên một trăm năm, gốc to rễ lồi lõm, thân xù xì, cành nhánh nhiều, lá mọc xen.Cây có tán lá thưa, nếu để phát triển tự do thì cây mọc từ hạt có thể cao tối đa tới 20 – 30m. Gốc cây khá to, và bộ rễ cây mai vàng lồi lõm có độ đâm sâu tới 2 – 3m.Lá mai vàng là lá đơn, mọc xen kẽ so le, có phiến lá dạng hình trứng thuôn dài. Lá có màu xanh biếc nhưng mặt dưới của lá màu hơi ánh vàng. Hoa mai vàng nở thắm tươi vào mỗi độ xuân về vì vậy nó tượng trưng cho mùa xuân ở miền Nam Việt Nam.

Hoa mai vàng là loại hoa lưỡng tính. Hoa mọc ra từ các nách lá và tạo thành từng chùm. Ban đầu là mọc ra những chiếc vỏ lụa hay còn gọi là hoa cái. Sau đó vỏ lụa sẽ nở bung ra xuất hiện những chùm nụ xanh non. Khoảng một tuần sau, nụ hoa sẽ nở thành những cánh hoa mai vàng tươi rực rỡ. Cấu tạo hoa mai thường có 5 cánh nhỏ và mỏng manh nhưng cũng có bông đặc biệt lên tới 9 – 10 cánh. Hoa mai thường nở trong 3 ngày sẽ tàn.

Tuy hoa mai thường nở vào mùa xuân nhưng gần đây thời tiết thay đổi nhiều nên việc ra hoa cũng bị ảnh hưởng, thường dẫn đến hiện tượng cây mai nở sớm hoặc hoa mai nở trái mùa. Không phải tất cả hoa đều có thể đậu quả. Nếu hoa nào đậu thì sau khi tàn, bầu noãn của hoa sẽ phình to lên. Thời gian sau sẽ kết hạt.

 

Phân Loại và Phân Bố

Loài mai vàng mọc hoang dã trong rừng có từ 5 đến 9 cánh, song đôi khi lên đến 12 - 18 cánh, gọi là "mai núi". Ở Tây Nguyên, mai núi phân bố khá phổ biến. Ngoài ra, còn có loài mai rừng với thân màu nâu, lá to xanh bóng, có răng cưa ở viền lá, hoa vàng, mọc thành chùm theo dạng chủy nên được gọi là "mai chủy". Một loài mai vàng khác mọc ở triền cát, ở những khu rừng ven biển được gọi là "mai động". Loài mai này có thân suông, tròn, hoa trổ chi chít trên cành. Nếu chúng có hoa với năm cánh nhỏ thì gọi là "mai sẻ". Mai động hay mai sẻ phân bố rải rác ở các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình, Quảng Trị trở vào miền nam, cho tới tận Đồng Nai và Tây Ninh.... Xét về góc độ sai hoa, ngoài mai sẻ còn phải nhắc đến "mai chùm gởi". Loài này có thân cứng, trên cành mọc lên những khối u, chung quanh khối u đâm ra rất nhiều tược non và từ đó nụ hoa mọc ra khá dày, hoa nở san sát vào nhau, tạo thành chùm. Người ta gọi loài này là "mai tỳ bà" hay "mai vương". Hiện nay ở vùng Nam Bộ có rất nhiều giống mai.

Thông thường, mai vàng có mùi hương rất khó nhận ra. Song, ở Việt Nam lại có loài mai vàng năm cánh hương thơm đậm hơn hẳn những loài mai khác nên được gọi là "mai hương". Nó còn tên khác là "mai thơm" (thường được trồng ở Bến Tre) tại miền Nam hay "mai ngự" (mọc khá nhiều ở Huế) ngoài miền Trung". Riêng loài mai có cánh hoa lớn hơn kích cỡ bình thường được gọi là "mai châu" (đọc trại từ "trâu" thành "châu"). Loài có nụ hoa nhỏ, cánh dài và nhọn, được gọi là "mai cánh nhọn".

Có loài mai vàng 5 cánh bình thường, những cành nhánh mềm mại, rũ xuống như cây liễu nên được gọi là "mai liễu". Ở khu rừng Cà Ná có loài cây mai thân nhỏ èo uột, cành rất giòn, lá hình bầu dục, trơn và có răng cưa mịn gọi là "mai rừng Cà Ná". Ngoài ra, còn có loài mai thân rất nặng (nặng gấp rưỡi thân cây mai bình thường) gọi là "mai đá" hay "mai Vĩnh Hảo". Loài này thân cứng, cành giòn, lá nhỏ, hoa to và phẳng, lâu tàn.

Mai có dáng vẻ thanh cao. Thân cây mềm mại, lá xanh biếc dịu dàng, hoa tươi rực rỡ. Mai thường trút lá vào mùa đông và ra hoa vào mùa xuân. Hoa nở thành từng chùm, có cuốn dài treo lơ lửng trên cành, thoảng mùi thơm e ấp, kín đáo. Mỗi nụ hoa thường có năm cánh, cá biệt có hoa tới những chín, mười cánh. Dân gian vẫn tin rằng năm mới nhà nào có cành mai như vậy là dấu hiệu của điềm lành, của một năm thịnh vượng, an khang.

Ở miền Trung thường chuộng dòng mai Huế và mai Bình Định để chưng Tết, mai Huế có giá trị và được chuộng hơn, gốc đẹp hơn, chưng được nhiều năm hơn. Mai Huế có lá dày hơn, thẫm màu hơn, thuần một màu trong khi mai Bình Định lá mỏng hơn, thon kim hơn, có thể có màu nâu sẫm nhưng mai Bình Định thông dụng hơn vì giá cả vừa phải. Mai Huế hay còn gọi là mai Ngự danh với xưng mai Huế như một mặc định cho loài hoa mai có năm cánh với sắc vàng rực rỡ. Loài hoa mai ấy chỉ sinh trưởng trên đất Cố Đô và cũng là đặc sản của vùng sông Hương núi Ngự, mai vàng xứ Huế phải là mai năm cánh, hiếm hoi lắm mới có cây mọc nhiều cánh. Hoa mai Huế không có lá màu đỏ như hồng diệp mai của vùng Trung Trung bộ hay nhiều cánh như hoa mai của miền Nam mà mai Huế chỉ năm cánh và lá xanh, đặc biệt màu vàng đẹp.

Kể đến độ đa dạng của Mai thì không thể nào thiếu được Bạch Mai và Hồng Mai. Hoa bạch mai màu trắng tinh khiết, gồm 6-8 cánh dày, hơi tròn, nhụy vàng và khá giống như hoa sứ. Hoa có hương thơm dịu nhẹ thoang thoảng và dễ chịu. Loài mai trắng này khá khó trồng và chăm sóc. Cây có chiều cao tối đa khoảng 15m, được trồng chủ yếu ở Bến Tre, vùng núi Bà Đen – Tây Ninh, Hà Tiên. Tên khoa học của cây Hồng mai là Jatropha pandurifolia. Cây thuộc cây thân gỗ, chiều cao chỉ khoảng 1 – 4cm. Lá cây màu xanh thẫm, mọc đơn lẻ và xẻ thùy. Hoa hồng mai 5 cánh, màu hồng xinh và nhị hoa vàng tươi. Hoa mọc thành cụm ở các đầu nhánh và nở rải rác quanh năm. Quả của hồng mai khi chín thì có màu nâu đen.

Hoa Mai Mang Ý Nghĩa Gì?

Từ lâu hoa mai là một loài hoa quý mang nhiều tầng ý nghĩa. Giống như miền Bắc có hoa đào thì hoa mai chính là tượng trưng cho miền Nam. Hình ảnh hoa mai là biểu tượng mang lại những điều tốt lành, mang lại sự giàu sang, phú quý. Để những cánh mai nở rộ khi mùa xuân sang thì cây mai phải trải qua mùa đông khắc nghiệt. Thế nên, cây mai tượng trưng cho sự mạnh mẽ, kiên cường và cổ vũ con người vượt qua khó khăn cố gắng đạt được những thành quả tốt đẹp.

Không những thế, hoa mai còn có ý nghĩa tượng trưng cho sự cao thượng, quyền quý. Chính vì thế mà cây hoa mai thường xuất hiện trên các tựa tranh “hoa khai phú quý” và thuộc một trong bốn loại cây tứ quý là “tùng, cúc, trúc, mai”.

Hoa mai cùng với muôn loài hoa khác đua nhau khoe sắc vào mỗi dịp Tết đến xuân về thế nên ý nghĩa cây mai ngày Tết là rất quan trọng. Trong đó, ý nghĩa của hoa mai đầu tiên khi hoa nở là báo hiệu năm cũ đã qua đi, một năm mới nữa lại đến. Ý nghĩa hoa mai vàng tươi sáng là tượng trưng cho sự hy vọng, may mắn và phát lộc nên hầu hết gia đình nào cũng không quên chuẩn bị một nhánh mai hay một chậu mai xinh đẹp để trang trí trong nhà.

Dù công việc chuẩn bị Tết bận rộn tấp nập, mọi người vẫn luôn dành thời gian để đi lựa những chậu mai thật đẹp về nhà. Bởi từ lâu ý nghĩa hoa mai ngày Tết đã trở thành một giá trị tinh thần to lớn cho mỗi gia đình.

Theo quan niệm của dân gian cho rằng, cây mai nhà ai nở càng nhiều cánh thì tài lộc, phú quý càng nhiều. Nhất là nếu cây mai đó nở toàn là những bông hoa 7 cánh thì sẽ đem lại ý nghĩa là “đại cát đại lợi”.

Ý nghĩa của hoa mai vàng còn thể hiện sự đoàn kết gắn bó, niềm vui và niềm hạnh phúc, tình yêu thương rộng lớn. Do đó, mọi người càng thêm thân thiết, gắn bó nhờ ý nghĩa của hoa mai ngày Tết.

Ngoài mai vàng, những cây hoa mai trắng quý giá cũng mang lại những ý nghĩa tượng trưng riêng. Ý nghĩa hoa mai trắng đó là biểu tượng cho người quân tử, khí thế, sự kiên cường và tâm hồn cao thượng, tinh khiết.

Công Dụng Của Cây Mai 

Công dụng lớn nhất của cây hoa mai đó chính là trồng làm cây cảnh trang trí trong nhà, nhất là vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Nhờ cây có thể tạo dáng, tạo thế đẹp, sắc hoa rực rỡ nổi bật và ý nghĩa tích cực nên hoa mai rất được ưa chuộng và trồng phổ biến trong các gia đình mỗi người.

Bên cạnh đó, cây hoa mai còn có tác dụng làm thành phần cho một số vị thuốc để chữa trị nhiều loại bệnh. Chẳng hạn như, có thể sử dụng hoa để chữa một số bệnh như tức ngực, lao hạch, ho, bỏng, đau họng và chóng mặt, chán ăn.

Nhiều loại tinh dầu và chất hóa học có lợi như borneol, meratin, farnesol, cineole, benzyl alcohol, carotene,… có tác dụng chống khuẩn và tiết dịch mật tốt.

Từ đó, hoa mai được chế tạo thành những bài thuốc dân gian chữa bệnh hiệu quả, từ các bệnh đau đầu, huyết áp tăng, đau dạ dày, viêm xơ gan mức nhẹ, chướng bụng, đầy hơi, viêm họng, đau khớp, tức ngực, viêm loét,…

Ngoài ra, cây hoa mai còn được dùng để chế biến kết hợp cùng với các loại thịt, cá chép, trứng gà, nấm hương, hải sâm,… thành một số món ăn độc đáo. Ẩm thực tự nhiên, hương vị thơm ngon bổ dưỡng khó có thể cưỡng lại.

 

Cách Nuôi Trồng Và Chăm Sóc Cây Mai 

Kỹ thuật nhân giống mai 

Cây hoa mai có thể được nhân giống bằng nhiều phương pháp nhưng phổ biến nhất là gieo hạt và chiết cành. Mỗi cách đều có những ưu nhược điểm khác nhau đối với cây mai.

Bằng phương pháp gieo hạt, ta sẽ có số lượng nhiều cây mai con. Như thế sẽ không bị mất nhiều công sức hay tốn quá nhiều thời gian. Cây mai mọc từ hạt có thể cao tới 30 – 40 năm nếu được tự do phát triển. Tuy nhiên, nhược điểm của cách này là cây mai mới sẽ không mang những đặc tính tốt từ cây mẹ như cây ít cành hơn, hoa lá nhỏ, màu sắc khác,…

Bằng phương pháp chiết cành, cây mai mới sẽ giữ nguyên được những đặc tính tốt từ cây giống ban đầu. Khi chiết cần phải chọn cành nhỏ khỏe mạnh rồi cắt khoanh vỏ dài 3 – 4cm, đảm bảo không cắt lẹm vào gỗ. Dùng hỗn hợp đất trộn với xơ dừa, phân chuồng hoai mục,… để bó xung quanh vết cắt. Sau đó thường xuyên tưới nước, chăm sóc đến khoảng 3 tháng sau, bầu đất ra nhiều rễ thì cắt nhánh đó rời khỏi cây mẹ.

Kỹ thuật trồng cây mai 

Thời điểm trồng cây mai lý tưởng nhất là vào đầu mùa mưa. Mật độ, khoảng cách trồng cây cần được chú ý đảm bảo hợp lý, đủ rộng cho cây sinh trưởng tốt.

Theo kỹ thuật trồng mai, đất trồng cần được chuẩn bị từ trước với đầy đủ độ ẩm, độ mùn và chất dinh dưỡng. Đất có thể trộn hỗn hợp cùng với xơ dừa, tro trấu, than bùn và phân chuồng hoai mục để tăng độ mùn và chất dinh dưỡng cho đất.

Cây mai là cây chịu được nắng hạn nên bạn có thể tưới nước 2 lần/ngày vào sáng và chiều tối. Lượng nước tưới phù hợp, đảm bảo cây không bị chết héo hoặc cũng không quá nhiều gây ngập úng cho cây.

Cách trồng mai vàng hiệu quả thì phải kết hợp bón phân cho cây trong khi tạo dáng tỉa cành. Để cây phát triển xanh tốt cần bón nhiều đạm và lân cho cây thay vì kali. Có thể sử dụng phân NPK với lượng phù hợp, bón xa gốc cây và bón khoảng 2 – 3 lần/tháng. Nên bón phân vào mùa mưa thì sẽ hiệu quả hơn. Ngoài ra, sau khi thay đất cho cây khoảng 3 – 4 tháng, có thể bón thêm cho cây phân chuồng, phân gia súc gà, vịt.

Thường xuyên dọn cỏ dại, vun xới gốc và bắt sâu bệnh cho cây. Nên diệt cỏ vào thời điểm trước khi vào mùa mưa. Và một số sâu bệnh cần được chú ý là sâu đục thân, sâu tơ, rầy bông,…
Kỹ thuật cắt tỉa cây mai 
Cây mai cần được cắt tỉa cành hợp lý tùy theo hình dạng và kích thước ban đầu của cây. Theo cách chăm sóc cây mai, thông thường sẽ cắt bỏ ⅓ cành đi hoặc tỉa cành trên ngắn hơn hàng dưới giống như dáng cây thông. Thời điểm tỉa cành hợp lý là trước ngày 15 âm lịch, nếu chậm chất thì cũng chỉ nên vào ngày 20.
Đồng thời, sử dụng phân urê hòa nước để tưới quanh gốc cây hoặc phun để cây nhanh chóng hồi sức và đâm chồi. sau khi cây hồi lại thì nên để cây ra nắng thích nghi dần. Từ đó cây sinh trưởng và phát triển nhanh chóng.
Vệ sinh cây mai 
Vấn đề vệ sinh cây cũng rất quan trọng được ghi nhận trong hướng dẫn chăm sóc cây mai. Bạn có thể phun nước mạnh vào cây để rong rêu, nấm mốc ở thân cây bị bong tróc hết. Hoặc cách khác là sử dụng phân urê  pha đặc phun vào cây (không để chảy xuống gốc), đợi 10 phút rồi đánh bật nấm mốc bằng cách sử dụng bàn chải chà mạnh lên cây.
Tạo dáng cây mai 
Trước khi tạo dáng, bạn cần phải cắt tỉa những cành không cần thiết hoặc yếu, bị sâu bệnh hại. Thời điểm thích hợp nhất để uốn cành là khi cây phát triển mạnh, tức vào cuối tháng 7 – cuối hè.
Dụng cụ dây uốn cành mai thì nên lựa chọn dây kẽm, dây đồng, dây chì, dây vải quấn quanh để không gây hại cho cây.

Trước tiên, bạn cần phải uốn theo trình tự từ thân đến cành chính, tiếp đến những cành quanh thân cây. Cành lớn được uốn trước rồi mới đến cành nhỏ. Và bạn cần định hình những hình dáng đã chuẩn bị từ trước để tạo dáng quấn dây cây mai vàng.

Quấn dây cần chú ý không được quấn quá lỏng hay chặt, đường quấn chéo cần chú ý tạo góc 45 độ so với trục thân giữa. Sau đó cần uốn cành bằng cách xoắn theo hướng dây kẽm giúp cố định dây vào vỏ cây. Sau khoảng 3-4 tháng hoặc 1 năm đối với cây lớn thì có thể tháo dây kẽm.

Hình ảnh cây Mai khoe sắc 

Trên đây là toàn bộ những thông tin chi tiết giúp quý khách am hiểu hơn về cây Mai cũng như cách trồng và chăm sóc Mai vàng. Nhà Bonsai chúc quý khách có một chậu mai thật đẹp đón năm mới thật sung túc và bình an. 

Chia sẻ:
facebook